Fatemeh Bakhtiari, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Khí hậu Copenhagen của Chương trình Liên hợp quốc (UNEP CCC) đã phân tích bối cảnh pháp lý, thảo luận về các điểm mấu chốt chính và trình bày về cách tiếp cận dựa trên dữ liệu.
Việc thành lập Cơ chế Quốc tế Warsaw (WIM) vào năm 2013 và Mạng lưới Santiago (SN) vào năm 2019 là hai cột mốc quan trọng nhằm giải quyết tổn thất và thiệt hại. Vậy mọi thứ đang tiến triển như thế nào?
Cơ chế Quốc tế Warsaw (WIM) được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đối thoại và thúc đẩy hành động hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tổn thất và thiệt hại. Ý kiến này nảy sinh khi các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ, tạo ra ít khí thải nhất, nhưng họ lại chịu tác động nhiều hơn bởi các sự kiện liên quan đến khí hậu. Kể từ khi WIM được thành lập, đề xuất về tài trợ cụ thể cho tổn thất và thiệt hại đã được đưa vào thảo luận trở lại tại COP26. Một trong những lời kêu gọi chính từ các nước đang phát triển trong nhóm đàm phán G77 và phái đoàn Trung Quốc là thiết lập một cơ sở tài trợ về tổn thất và thiệt hại cụ thể. Đáng chú ý, đây phải là một kênh tài trợ mới và riêng biệt, không sử dụng dòng tiền hiện tại cho hoạt động thích ứng và giảm thiểu. Thật không may, cơ sở tài trợ không bao giờ được thành lập do sự phản đối từ các quốc gia phát triển bởi nỗi sợ trách nhiệm pháp lý liên tục và các yêu cầu bồi thường bằng chi phiếu.
Về Mạng lưới Santiago (SN), nó được thành lập vào năm 2019 để huy động hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều chuyên gia và tổ chức nhằm giúp phát triển các giải pháp giải quyết tổn thất và thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các ý kiến về cách SN nên được cơ cấu ra sao đã khiến sáng kiến này rơi vào tình trạng lấp lửng, với áp lực hiện tại là COP27 phải đưa nó vào hoạt động.
Liệu các tổ chức tư nhân và phi chính phủ (NGO) có đóng góp phần nào cho giải pháp tài trợ cho tổn thất và thiệt hại không?
Câu trả lời là Có. Các tổ chức phi chính phủ tích cực hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu gây quỹ cho các quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương và các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ thường là các thực thể nhỏ không có sự giám sát hoặc hỗ trợ từ cơ quan chính phủ. Vì vậy, trong khi khả năng gây quỹ của họ cho những thảm họa trước mắt được đánh giá cao, thì ảnh hưởng lâu dài của họ lại bị hạn chế. Các hiện tượng biến đổi khí hậu không chỉ gây ra tổn thất và thiệt hại trực tiếp và tức thời; mà còn là về các sự kiện khí hậu diễn biến chậm trong thời gian dài như mực nước biển dâng cao và tác động gián tiếp thường xuyên của chúng đối với các quốc gia dễ bị tổn thương. Để làm được điều này, chúng ta cần các giải pháp dài hạn và khả năng tiếp cận các kênh tài chính cấp cao. Cho đến nay, đã có sự phụ thuộc vào việc tạo ra các cơ sở cho vay dựa trên bảo hiểm để giúp các công ty đang phát triển đối phó với tác động kinh tế của tổn thất và thiệt hại. Tuy nhiên, chi phí thanh toán bảo hiểm lại tốn kém và có xu hướng nghiêm trọng hóa thêm các vấn đề tài chính trong dài hạn vì nó khiến các nước nghèo nhất có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, khiến nguồn tài chính công không được hướng tới nơi cần nhất. Vì vậy, đối với các quốc gia kém phát triển nhất thuộc nhóm đang phát triển, thì nguy cơ tổn thất và thiệt hại sẽ cao hơn, có thể hiểu tại sao một cơ sở tài trợ là lựa chọn tài chính ưa thích.
Tuy nhiên nó không chỉ là về tài trợ; đó còn là về việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và phát triển các giải pháp. Đó là khi khu vực tư nhân có thể tạo ra tác động đáng kể, đặc biệt là khi họ hiện phải tuân theo báo cáo công bố thông tin bền vững và các mục tiêu về net zero. Khi kiến thức về phát triển bền vững của họ đạt đến trình độ nhất định, chuyên môn của khu vực tư nhân hy vọng có thể dùng sự linh hoạt và kỹ năng lập kế hoạch thương mại để tạo ra thế cân bằng.
Quản trị cần thiết như thế nào khi thúc đẩy các giải pháp tổn thất và thiệt hại?
Quản trị là rất quan trọng trong việc thúc đẩy mọi chuyển động tiến lên. Nếu chúng ta áp dụng SN, thì vẫn còn một số điểm cần thống nhất trước khi nó đi vào hoạt động đầy đủ, chẳng hạn như cơ cấu và điều khoản tham chiếu. Các điểm vướng mắc bao gồm đề xuất của các nước phát triển rằng ủy ban điều hành của WIM nên đóng vai trò là ban cố vấn cho SN. Ngược lại, các nước đang phát triển nhấn mạnh rằng ban cố vấn phải hoàn toàn độc lập và tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, các nước đang phát triển muốn hoàn thiện các điều khoản tham chiếu của SN trước khi một thực thể được chọn ra để điều hành nó, vì họ không muốn việc lựa chọn thực thể ảnh hưởng quá mức đến các quyết định về chi tiết hoạt động.
Đối với WIM, quản trị cũng đang thể hiện một điểm khó khăn, đặc biệt là về chế độ hoạt động. Các quốc gia phát triển muốn WIM tuân theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào việc ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại, nhưng hiện nó đang loại trừ bất kỳ tham chiếu nào liên quan đến trách nhiệm pháp lý và bồi thường. Các nước đang phát triển cho rằng WIM nên hoạt động theo cả Hiệp định Paris và COP để đạt được sự ủng hộ rộng rãi hơn, vì không phải tất cả các quốc gia đều đã ký kết Hiệp định Paris, cộng với COP tập trung nhiều hơn vào tài trợ. Nếu không đưa ra các quyết định quản trị này, thật khó để thấy được sự tiến bộ. Chúng ta sẽ cùng xem liệu COP27 có giải quyết những điểm này hay không.
Vai trò của một khuôn khổ minh bạch nâng cao là gì và làm thế nào để việc ứng dụng dữ liệu nhiều hơn chắc chắn cải thiện triển vọng ghi nhận tổn thất và thiệt hại?
Một khuôn khổ minh bạch nâng cao được quy định trong điều 13 của Hiệp định Paris. Nó liên quan đến giám sát và báo cáo tiến độ giảm thiểu, thích ứng và thực hiện biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, mà các quốc gia báo cáo như một phần của các mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, trong khi báo cáo tổn thất và thiệt hại được coi là một phần của kiểm kê toàn cầu, không có công cụ cụ thể nào có thể đo lường tác động của nó. Vì vậy, trong khi một số quốc gia đã liệt kê cả tổn thất và thiệt hại trong báo cáo quốc gia của họ, chất lượng và phạm vi thông tin rất khác nhau. Dù UNEP CCC, thuộc dự án ICAT, đã đưa ra một mẫu chung để đánh giá tổn thất và thiệt hại, thì hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn chính thức.
Tất nhiên, có nhiều thách thức liên quan đến dữ liệu, bao gồm ước tính chi phí, theo dõi dòng tiền, đo lường xu hướng và thiết kế các chính sách thích hợp cho tổn thất và thiệt hại. Việc ước tính chi phí đang thiếu các phương pháp mạnh mẽ và bộ dữ liệu không đầy đủ. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi đo lường các tác động tổn thất và thiệt hại gián tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, nơi chi phí có xu hướng lớn hơn nhiều so với chi phí tác động trực tiếp. Việc theo dõi dòng tiền từ tài trợ trong nước, quốc tế, tư nhân và cộng đồng cũng khó khăn không kém vì hiện tại không có định nghĩa thống nhất chung về những gì cấu thành tổn thất và thiệt hại. Việc bao gồm tài trợ dựa trên bảo hiểm và thực tế là không có kênh tài chính riêng biệt nào càng làm xáo trộn khả năng theo dõi dòng tiền tài chính. Về mặt đo lường xu hướng, cũng thiếu các công cụ để tính toán tác động của các hiện tượng khí hậu diễn ra từ từ trong lâu dài, đặc biệt liên quan đến các tác động gián tiếp trên toàn bộ nền kinh tế. Tương tự, các biện pháp chính sách tập trung cụ thể vào tổn thất và thiệt hại vẫn còn khan hiếm.
Tóm lại, các định nghĩa cần phải được củng cố và dữ liệu phải được cải thiện để các cơ quan chính phủ có thể tiền tệ hóa các hậu quả trực tiếp và gián tiếp của các sự kiện biến đổi khí hậu một cách chính xác hơn. Cải thiện các phương pháp và định lượng tổn thất và thiệt hại có thể giúp vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn và cuối cùng đưa tổn thất và thiệt hại vào chương trình nghị sự.