Tin thuế - Hướng dẫn về hóa đơn điện từ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Ngày 30/09/2019, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC (“Thông tư 68”) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (Nghị định 119”) về HĐĐT (“HĐĐT”) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong đó có một số điểm đáng lưu ý như sau

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2019

Tương tự như Nghị định 119, trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày thông tư có hiệu lực cho tới hết ngày 31/10/2020, các doanh nghiệp nếu không bị yêu cầu phải chuyển sang áp dụng HĐĐT theo Nghị định 119 thì vẫn được áp dụng hóa đơn giấy, HĐĐT theo hướng dẫn của Nghị định 04/2014/NĐ-CP, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.
Trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT theo hướng dẫn của Nghị định 119 thì doanh nghiệp phải hủy toàn bộ hóa đơn giấy, HĐĐT theo các hướng dẫn cũ và tuân thủ theo tất cả các quy định được nêu tại Nghị định 119 và Thông tư 68.

Nội dung của HĐĐT có các thay đổi như sau

  • Thay đổi cách ghi ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn theo hướng đơn giản và dễ dàng để phân biệt loại HĐĐT đang được sử dụng;
  • Người mua không bắt buộc phải thực hiện ký số trên HĐĐT như quy định cũ mà phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật và thỏa thuận giữa người mua, người bán;
  • Thời điểm lập hóa đơn được xác định theo thời điểm người bán ký số, ký điện tử được hiển thị trên hóa đơn;

Sử dụng hóa đơn điện tử

Thay vì được sử dụng hóa đơn thương mại, Thông tư 68 quy định cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử (hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Đối với hàng hóa, thời điểm xuất hóa đơn là sau khi hoàn thành thủ tục xuất khẩu.

Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế

Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thông tư cũng nêu ra các tiêu chí để xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế;

Các trường hợp bổ sung

Bổ sung thêm các trường hợp sau được cấp hóa đơn lẻ bởi Cơ quan thuế đối với trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

  • Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;
  • Tạm ngừng hoạt động kinh doanh cần có hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày cơ quan thuế thông báo tạm ngừng kinh doanh;
  • Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp thông báo không được sử dụng HĐĐT.

Xử lý trường hợp HĐĐT có sai sót 

  • Nếu hóa đơn bị sai tên, địa chỉ nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (“Mẫu số 04”) và không phải lập lại hóa đơn;
  • Trường hợp có sai sót về mã số thuế, số tiền ghi trên hóa đơn, thuế suất, tiền thuế, hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 về việc hủy HĐĐT và lập hóa đơn HĐĐT mới thay thế;
  • Trường hợp cơ quan thuế phát hiện HĐĐT đã lập có sai sót thì cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP để người bán kiểm tra sai sót và người bán thực hiện điều chỉnh theo các hướng dẫn như trên trong thời hạn quy định;

Việc chuyển dữ liệu HĐĐT cho Cơ quan thuế được thực hiện

  • Người nộp thuế được lựa chọn chuyển dữ liệu trực tiếp (nếu đáp ứng các điều kiện về chuẩn dữ liệu kết nối và kỹ thuật) hoặc gửi qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế;
  • Phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu sẽ phải thực hiện cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp có sử dụng hóa đơn với số lượng lớn như cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, bán xăng dầu cho người tiêu dùng là cá nhân, ... Các trường hợp khác thì người bán phải có trách nhiệm chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn đồng thời cho cả Cơ quan thuế và người mua.

Hỗ trợ từ Mazars

Trong trường hợp quý vị có thắc mắc hay cần sự trợ giúp của chúng tôi hãy liên hệ với văn phòng chúng tôi theo thông tin bên dưới.

Documents

Mazars Vietnam_​Tax Alert_​Tax Administration - October 2019 VIE
Mazars Vietnam_​Tax Alert_​Tax Administration - October 2019 ENG

Liên hệ